Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Du lịch Singapore - Những điều cần biết (Phần 3 - Phần cuối)

  • Phần 1: Du lịch Singapore - Những điều cần biết (Phần 1)
  • Phần 2: Du lịch Singapore - Những điều cần biết (Phần 2)

39. Một số nét chung về mua sắm hàng hoá ở Singapore
Hàng hoá ở Singapore vô cùng phong phú và đa dạng. Có thể nói bạn có thể mua bất cứ thứ gì mà bạn biết là đã có, từ chiếc ô tô Ferrari đời mới nhất cho đến bánh xà phòng Camay sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên điều quan trọng nhất lại nằm ở chỗ mua ở đâu và với giá bao nhiêu???

Nếu đến Singapore vào dịp giảm giá từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, bạn sẽ tìm được những món hàng với giá rẻ bất ngờ (thậm chí có những hàng hoá được sale với mức kỷ lục là 90%) và những chương trình rút thăm may mắn với giá trị cao vào đúng nửa đêm, lần lượt ở từng trung tâm thương mại và siêu thị.

Phố Orchard (Orchard Road) là trung tâm mua sắm của Singapore. Bạn sẽ phải hoa mắt và mỏi chân khi ghé thăm các đại siêu thị dọc đại lộ này.

Ở khu người Hoa (Chinatown) và khu Tiểu Ấn Độ (Little India), bạn có thể tìm được các món hàng lưu niệm giá rẻ, còn các hàng hoá khác thì phải cẩn thận vì người bán hàng thường nói thách rất cao. Thậm chí đối với mỗi món hàng, họ còn dán những ký hiệu riêng lên sản phẩm mà chỉ họ mới biết để mà ... nói thách.

Trước khi quyết định mua một món hàng nào có giá trị cao, bạn nên tham khảo ở nhiều cửa hàng khác nhau, thậm chí nếu tiếng Anh của bạn tốt, bạn có thể mặc cả với họ để có được giá tốt. Không chỉ ở các cửa hàng nhỏ, các siêu thị hoặc cửa hàng lớn như Harvey Norman, Courts v.v... đều chấp nhận mặc cả, mặc dù giá đã được in lên vỏ hộp của hàng hoá. Bạn có thể mặc cả ở mức 80 - 85% giá niêm yết, nhất là đối với những món hàng bạn đã biết rõ giá hoặc có giá ở Việt Nam để tham khảo. Câu cửa miệng nếu bạn muốn mặc cả là : “Can you offer a better price ?” (Anh/chị có thể chào một giá tốt hơn hay không ?)

Có một cách để tìm được những món hàng tốt với giá rẻ là bạn hãy tìm đọc trang quảng cáo của các tờ báo ra hàng ngày.

Khi mua một món hàng, nên yêu cầu người bán cùng kiểm tra xem món hàng (kể cả còn ở trong hộp xốp) có đầy đủ và trong tình trạng hoạt động tốt hay không. Ngoài ra cũng cần kiểm tra các điều kiện bảo hành (ở Singapore hay là trên toàn thế giới). Đặc biệt là nên tránh xa các món hàng không có bảo hành vì rất có thể đây là hàng “lướt”. Phiếu bảo hành phải có số seri trùng với món hàng bạn đã mua.

Có hơn 3.500 cửa hàng ở Singapore tham gia chương trình hoàn thuế hàng hoá và dịch vụ (Goods and Services Tax - GST) cho khách du lịch. Đối với những món hàng có giá từ 100 SGD trở lên, bạn nhớ yêu cầu người bán cung cấp cho bạn hoá đơn và giấy yêu cầu hoàn thuế hàng hoá và dịch vụ (GST Refund Application) và tổng giá trị các hoá đơn của bạn phải trên 300 SGD. Bạn sẽ lấy được một phần nhỏ, chứ không phải toàn bộ 5% thuế GST mà bạn đã trả cho món hàng đã mua. Nhưng dù sao có cũng hơn không, phải không bạn ?

Nói thêm về mua sắm thì mình cũng có ý kiến là các bạn muốn thăm Mustafa Shopping Center thì nên để dành lại sau 10 giờ đêm, lúc các shopping khác đóng cửa rồi thì hãy phi đến đây, vì Mustafa mở cửa 24 giờ. Còn những nơi khác thì rất chảnh, 10 giờ sáng mới lục tục bày hàng ra, đến khoảng 9g30 tối là đã muốn đuổi khách để dẹp tiệm rồi

40. Đường Orchard (Orchard Road)
Được mệnh danh là “Thiên đường mua sắm” của khu vực châu Á, ở hai bên đường Orchard có tới trên 30 trung tâm mua sắm và siêu thị gần như là liên hoàn với nhau. Bạn có thể tốn cả một ngày mà vẫn không thể đi hết 2km đường Orchard vì mỗi trung tâm mua sắm và siêu thị đều có ít nhất là 5 tầng với hàng trăm cửa hàng ở bên trong. Bạn có thể mua được những quần áo, giày dép, đồng hồ, trang sức, mỹ phẩm v.v... mới nhất của các hãng danh tiếng nhất thế giới như Versace, Prada, Moschino, Gucci, CK, Armani, Levis, U2, Valentino v.v... với giá rẻ hơn cả chính quốc (mà vẫn đảm bảo là hàng thật).

Vào buổi tối, đường Orchard là nơi phản ánh một cách sống động nhất cuộc sống ban đêm của người dân Singapore và khách du lịch với nhịp sống sôi động, các show trình diễn thời trang hoành tráng và dòng người đi lại như mắc cửi.

Để đến được đường Orchard, bạn đi MRT đến ga Orchard, Somerset và Dhoby Ghaut hoặc đi xe CityBuzz C1.

41. Suntec City (www.sunteccity.com.sg)
Là một khu liên hiệp bao gồm 5 toà nhà chọc trời, Suntec City xứng đáng là một điểm dừng cho hành trình mua sắm của bạn. Giá cả ở đây cũng thấp hơn chút ít so với Khu mua sắm Orchard. Hơn nữa, ngoài hàng trăm cửa hàng, ở đây còn có rất nhiều hiệu ăn với các hương vị khác nhau để bạn lựa chọn.

Bạn có thể đến Suntec City bằng xe CityBuzz C2 (điểm đỗ số 9). Ngoài ra các xe buýt khác hầu như đều đón trả khách ở đây. Riêng tàu điện ngầm thì không thực sự thuận tiện lắm vì hơi xa.

42. Siêu thị Mustafa (Mustafa Centre)
Là siêu thị duy nhất mở cửa 24/24 tại Singapore, Mustafa có bán hầu như tất cả các loại hàng hoá nội địa và nhập khẩu với giá cả được đánh giá là rẻ nhất Singapore. Bạn có thể mua những đồ thủ công mỹ nghệ hoặc những lọ mỹ phẩm hàng hiệu với giá rẻ hơn ở Việt Nam để làm quà cho bạn bè và người thân.

Cách tốt nhất để đến Mustafa là bạn đi xe CityBuzz C3 (điểm đỗ số 6) hoặc đi MRT đến ga Farrer Park (lối ra A hoặc G).

43. Chợ Công nghệ thông tin Funan (Funan IT Mall)
Nếu bạn là người yêu thích công nghệ thông tin và đồ điện tử, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua địa điểm này. Tại đây, bạn có thể mua được chiếc máy tính xách tay mới nhất từ SONY hay FIJITSU hoặc các loại màn hình LCD, plasma với giá chỉ bằng 60% so với ở Việt Nam. Còn những mặt hàng như máy nghe nhạc MP3, điện thoại di động hay máy ảnh KTS thì Funan luôn là lựa chọn hàng đầu về chất lượng cũng như giá cả.

Funan là nơi duy nhất trong thành phố cho phép bạn truy cập Internet miễn phí bằng mạng không dây và cũng là nơi bạn có thể nhận được tiền hoàn thuế GST ngay sau khi vừa mua hàng!

Funan chỉ cách ga MRT CityHall chừng 200m hoặc bạn xuống điểm dừng số 2 tuyến xe CityBuzz C1.

44. Sim Lim Square
Cùng với Funan, đây cũng là một địa điểm chuyên bán các loại trang thiết bị công nghệ thông tin và đồ điện tử. Một điều khác là trong khi Funan có giá niêm yết thì ở đây hầu như chỉ niêm yết giá theo ký hiệu riêng của người bán mà thôi. Điều đó có nghĩa là bạn hãy trổ tài mặc cả để có được món hàng mình yêu thích với giá thấp nhất. Kinh nghiệm cho thấy bạn có thể trả thấp rồi áp dụng chiêu “dương Đông kích Tây” đối với các cửa hàng khác có bán cùng một mặt hàng. Tuy nhiên cách trình bày hàng hoá ở Sim Lim khá lộn xộn, có lẽ do mặt bằng khá chật hẹp.
Nếu đi MRT, bạn xuống ga Bugis hoặc nếu đi xe CityBuzz C3, bạn xuống điểm đỗ số 4.

44a. Ngòai ra bạn có thể đến Vivo City là một trong những trung tâm mua sắm lớn và mới nhất tại Sing với những hồ nước lớn trên sân thượng rất đẹp , bạn có thể vui chơi thỏa thích sau khi mua sắp

44b. Bugis Stress là 1 khu chợ trời nổi tiếng và nơi đây bạn có thể mua sắm đồ lưu niệm rất thỏai mái đem về tặng bạn bè, người thân , từ móc khóa, đồng hồ đến quần áo in hình Singapore với giá khá rẻ : 10SGD/2 cái, 10SGD/3,4,5 cái tùy lọai hàng hóa và chất lượng.

45. Chuẩn bị về nước
Bạn cần đóng gói hành lý, sắp xếp những đồ để ký gửi hoặc xách tay theo mình. Khi làm thủ tục trả phòng, bạn cần chú ý kiểm tra lại toàn bộ đồ đạc hành lý đề phòng để quên.

Nếu muốn khám phá sân bay Changi - một trong những sân bay tốt nhất thế giới, bạn hãy làm thủ tục trả phòng khách sạn sớm trước 12h00. (Đây cũng là giờ trả phòng của các khách sạn, nếu trả phòng muộn một chút cần phải báo với lễ tân, nếu không bạn sẽ bị tính thêm tiền).

46. Ra sân bay Changi
Cách tốt nhất và kinh tế nhất để ra sân bay là bằng MRT. Giá vé đến sân bay chỉ có 3,5 SGD. Tàu điện ngầm sẽ đưa bạn đến sát Cổng số 2 (Terminal 2) của sân bay Changi. Nếu dùng vé tiêu chuẩn, bạn nhớ ra máy bán vé để lấy lại tiền đặt cọc (1 SGD/vé). Nếu quên, bạn chỉ còn có cách ... giữ tấm vé đó làm kỷ niệm !!!

Do Tiger Airways có quầy làm thủ tục ở Budget Terminal nên bạn phải dùng Shuttle Bus miễn phí để di chuyển từ Cổng số 2 sang Budget Terminal.

Nếu đi taxi thì cũng nên nói rõ là mình đi tới Budget Terminal cho tài xế biết, để không lạc ra Changi mất công.

47. Hoàn thuế Hàng hoá và dịch vụ (GST) và Làm thủ tục xuất cảnh
Trước khi làm thủ tục, bạn mang hộ chiếu, hoá đơn, biên lai hoàn thuế và toàn bộ các món đồ đã mua có giá trị trên 100 SGD đến Quầy hoàn thuế (GST Refund). Nhân viên hải quan sẽ kiểm tra và đóng dấu xác nhận trên biên lai hoàn thuế.

Sau đó, bạn đến quầy làm thủ tục của Tiger Airways trình passport + code vé lúc đi. Cũng như lúc đi, việc làm thủ tục diễn ra rất nhanh chóng và bạn sẽ sớm nhận được Thẻ lên máy bay (Boarding Pass). Thẻ lên máy bay sẽ hướng dẫn cho bạn cổng (gate) lên máy bay và bạn phải định hướng được cổng đó năm ở vị trí nào để tránh bị lạc. Trong trường hợp không rõ, bạn có thể cầm Thẻ lên máy bay hỏi nhân viên sân bay để có hướng dẫn cụ thể.

Bạn sẽ xuất cảnh Singapore qua các bàn làm thủ tục. Giấy tờ cần thiết bao gồm hộ chiếu, thẻ lên máy bay và Tờ khai nhập cảnh (đã được đóng dấu khi bạn nhập cảnh Singapore).

Công việc đầu tiên nên làm ngay sau khi làm thủ tục xuất cảnh là lấy tiền hoàn thuế ở các quầy có đề “GST Refund”. Bạn có thể yêu cầu trả tiền bằng tiền mặt (tất nhiên là bằng SGD), bằng séc (cách này không tiện vì thủ tục lấy tiền rất rắc rối), bằng thẻ mua hàng sân bay (được khuyến mại thêm 10%) hoặc chuyển thẳng vào tài khoản thẻ tín dụng. Dù thế nào, bạn cũng phải cảnh giác kẻo lỡ chuyến bay.

Sau khi mua sắm xong mà vẫn còn tiền, bạn có thể đến các quầy đổi tiền trong sân bay để đổi lấy Đô la Mỹ để mang về Việt Nam hoặc đem về VN đổi ở quầy thu đổi ngọai tệ của Ngân hàng trong sân bay TSN

Bạn phải có mặt ở cổng lên máy bay ít nhất là 20 phút trước giờ cất cánh. Khác với ở Việt Nam, việc kiểm tra an ninh chỉ diễn ra ở các cổng lên máy bay. Khi có thông báo, bạn hãy nhường cho người cao tuổi, gia đình có trẻ em đi cùng để lên máy bay trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét